Tuất là một người Canada gốc Việt trạc bốn mươi, nước da ngăm ngăm, tướng tá cao ráo, khỏe mạnh, ít ra là so với nhiều đồng hương khác. Anh là chủ nhân của 3 tiệm Neo (Nails) tại thành phố Winnipeg, thủ phủ tỉnh bang Manitoba.
Buổi phỏng vấn với nhựt báo Winnipeg Tribune do ký giả Ann Blankart thực hiện đã xảy ra mấy ngày trước, nhưng tới nay dư âm câu hỏi sau cùng của cô vẫn còn văng vẳng bên tai Tuất. Chẳng phải vì đó là một câu hỏi bất ngờ hay hóc búa, kiểu những cái bẫy mà các phóng viên điều tra thường giăng ra trong các cuộc săn tin nóng, nhằm vạch mặt những kẻ đầu trộm đuôi cướp, hay chí ít bị tình nghi làm ăn bất chánh. Trái lại đó là một câu hỏi theo thông lệ, vô thưởng vô phạt, cốt chỉ nhằm thỏa mãn tánh hiếu kỳ của độc giả.
Tuất cảm thấy mình đã ứng phó suôn sẻ, lại không quên thêm chút pha trò để tạo không khí vui vẻ trước khi chia tay. Tuất hy vọng buổi phỏng vấn ít nhiều đã lưu lại ấn tượng tốt đối với cô ký giả thân thiện. Quan trọng hơn là hy vọng qua cuộc trao đổi với cô, Tuất đã bắt được nhịp cầu với các độc giả trung thành của cột báo rất ăn khách, ‘Một vòng quanh phố với Ann’, xuất hiện hằng ngày trên trang 3 của tờ báo.
Hai mươi năm trước, Tuất một thanh niên chưa đầy 18 tuổi là một trong số những người Việt tị nạn đầu tiên đến Canada, với hai bàn tay trắng, chân xỏ đôi dép Nhựt kéo lẹp bẹp giữa phi trường. Hai mươi năm sau, vào Thứ Bảy tuần trước, đúng ngày ông thầy bói viễn liên từ thủ đô người Việt tị nạn gần Los Angeless, Hoa Kỳ, gởi điện thư FAX vượt hai ngàn dặm đường báo tin là ngày hạp tuổi với vợ chồng Tuất, anh đã long trọng cho khai trương cửa tiệm ‘Neo’ (Nails) thứ ba.
Khi cô Ann hay tin Tuất sắp khai trương tiệm ‘Neo’ Búp Măng 3 (Bamboo Shoot 3), cô gọi điện thoại đến xin phỏng vấn anh, với mục đích viết một bài báo vinh danh sự thành công của một di dân trên quê hương mới. Ngoài ra cô còn muốn nhân đó kể lại câu chuyện mà cô gọi là ‘From rags to riches’. Tuất đoán ý cô muốn nói đến cuộc đổi đời của mình, từ một kẻ khố rách áo ôm như Tuất trước đây, bỗng chốc trở nên người giàu có. Giàu có thì Tuất không dám nhận vì hằng ngày trong lòng Tuất vẫn còn canh cánh mối lo kiếm tiền nuôi gia đình và nỗi bận tâm chuẩn bị cho tương lai con cái. Một thời nghèo khó thì Tuất khó quên, vì hằn trong tâm khảm Tuất vẫn còn những lời mai mỉa, những cử chỉ xa lánh, hay chỉ là những ánh mắt tội nghiệp rủ lòng thương hại của những kẻ qua đường nhìn thấy những vệt dầu lấm lem trên bộ mặt non choẹt của Tuất thuở nào.
Trong buổi phỏng vấn, cô Ann đặt nhiều câu hỏi rất thực tế, đôi khi tương đối riêng tư, nhưng Tuất nghĩ mình đã trả lời trọn vẹn, có sao nói vậy, không việc gì phải che đậy, dấu diếm. Chủ yếu cô muốn biết về quá trình lập nghiệp của Tuất ở Canada. Sau gần một tiếng đồng hồ phỏng vấn, cô nhoẻn miệng cười tươi báo cho Tuất biết chỉ còn một câu hỏi cuối.
- Xin ông chia sẻ với độc giả chúng tôi về một sự kiện hay biến cố quan trọng xảy ra trong quá khứ mà ông nghĩ đã đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời của ông.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Tuất, ‘Cái đèn pin’. May mà anh chưa thốt ra thành lời, bằng không có lẽ cô Ann đã phải xin lỗi anh để được hỏi thêm, ‘Ông có bị … mát dây không vậy.’ Chẳng trách được cô nếu anh nói chuyện không đầu không đuôi như vậy. Nếu phải giải thích cho ra ngọn ngành thì cần nhiều thời gian, nên Tuất đành gác ý nghĩ ‘Cái đèn pin’ qua một bên, và tương kế tựu kế, mượn câu hỏi của cô Ann để gởi lời cám ơn đến các ân nhân người bản xứ đã từng dang rộng vòng tay nhân ái đón nhận anh và các đồng hương khác tới Canada. Anh nói:
- Tôi nghĩ đó là ngày chúng tôi được chánh phủ Canada chấp nhận cho tị nạn tại đây. Riêng đối với cá nhân tôi, điều này thực hiện được là nhờ có sự bảo trợ của nhóm chuyên gia tại lò thí nghiệm nguyên tử Whiteshell. Gia đình chúng tôi muốn nhân dịp này, một lần nữa, gởi tới họ những lời cám ơn chân thành nhứt.
Cô Ann kết thúc buổi phỏng vấn bằng cái bắt tay thân thiện, và chúc Tuất cùng gia đình được may mắn, thuận lợi, trong công việc làm ăn. May mà cô chỉ chú tâm vào chuyện gầy dựng 3 tiệm Nails của vợ chồng Tuất, nên đã không khai thác sâu vào hành trình lập nghiệp hy hữu của anh. Một đoạn đường đời ‘chẳng giống ai’ mà Tuất đã trải qua. Nó từng dẫn anh lên gần bắc cực làm nghề… 'thợ hầm mỏ', cũng như dắt anh tới với nghề thợ máy ‘ngoài luồng’ tại một ‘động sửa xe’. Cho tới khi sóng yên gió lặng, cơ duyên đưa đẩy anh đến với cái nghề ổn định trong dòng chính của một bộ phận người Việt tại hải ngoại.
Trước khi chia tay, cô ký giả Ann không quên xin phép thưởng thức vài món ăn quốc hồn quốc túy bày biện đầy bàn mà vợ Tuất đã mời cô từ trước khi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Cô Ann nghiêng mình với tới đĩa ăn đặt ở giữa bàn, kẹp một cuốn chả giò vào giữa hai ngón tay dài thon thả, ngửa mặt lên trần nhà chăm chú đưa món ăn đặc sản vào miệng nếm thử. Cô nhướng to đôi mắt xanh tận hưởng từng khoảnh khắc thấm đượm vị chả giò trên đầu lưỡi. Cô mím môi lại như cố khóa chặt hương vị thơm tho của món ăn Việt nam vào ký ức, trước khi mỉm cười cảm kích,
- Đúng ra tôi phải cám ơn ông bà đã đến xứ sở này, chẳng những tạo nên nhiều công ăn việc làm cho người khác, mà còn chia sẻ một nền văn hóa thật tuyệt vời, và thật ... thật ngon miệng!
Sáng nay tiệm vắng khách, vì tối hôm qua trời đổ cơn tuyết lớn, lại dai dẳng. Dù đội ngũ xe ủi tuyết làm việc không ngừng nghỉ suốt đêm, cố dọn sạch tuyết trên mặt đường để tránh gây trở ngại lưu thông cho xe cộ vào sáng hôm sau, khi người người đổ ra đường đi làm, đi mua sắm hay đưa trẻ đến trường. Rất tiếc ngân sách chánh quyền thành phố có giới hạn, lực lượng thợ thuyền và máy móc chỉ đủ để làm sạch các tuyến đường huyết mạch của thành phố, còn những con đường nhỏ tua tủa vào các xóm dân cư thì trong vài trường hợp phải chờ tới sáng hôm sau. Tuy nhiên dù tất cả đường phố lớn nhỏ đều được ủi sạch tuyết, cư dân cũng không hẳn rảnh tay. Vẫn phải ì ạch tự ‘đào đường thoát thân’, xúc sạch lớp tuyết phủ lối xe ra vào trên phần đất riêng ở phía trước hay sau nhà mỗi người.
Tuất rảo bước vào văn phòng, thả người xuống ghế dựa, gác hai chân lên các mảnh biên lai, biên nhận, lớn nhỏ ngổn ngang trên bàn làm việc, lơ đễnh dõi mắt ra bên ngoài khung cửa kính tìm ít phút quên lãng hiếm hoi. Tuất với tay mở nhạc từ cái máy cassette đặt ở góc bàn. Thừa lúc không có khách hàng ở phía trước Tuất mở nhạc Việt Nam lớn lên nghe cho đã, để có thể bỏ ngỏ tâm hồn nghênh đón tiếng hát Hương Lan, cho làn điệu mượt mà ru người vào cõi mộng, cho con tim lắng đọng, cho ký ức đơm hoa. Ôi tiếng hát Hương Lan! Là ngọn gió mát trên cái võng đong đưa bên hè, rợm bóng cây măng cụt trong vườn Lái Thiêu; là ghe nước ngọt người dân hiền hòa miền Kinh Nước Mặn đang chờ; là mấy trái mận no tròn, bóng lưởng, như đôi má hây hây căng đầy nhựa sống của cô gái Trung Lương; là những cánh cò trắng tung bay xa xa khi chiếc xe đò lục tỉnh ra khỏi cầu Bình Điền. Còn là ly nước mủ trôm pha đường phèn của người tình nhỏ làm mát lòng mát dạ anh lính mới ở quân trường. Xuôi dòng tiếng hát Hương Lan cả bầu trời chan hòa trong nắng ấm quê hương chợt ùa về ôm trọn hồn Tuất.
Bên ngoài vạn vật chìm trong biển tuyết trắng chói chang. Tuyết che mặt đất, tuyết phủ hàng rào, tuyết ôm chầm thân cây trơ cành giữa mùa đông khắc nghiệt. Lạ thay, băng giá không làm nguội nỗi nhớ quê hương, mà ngược lại càng hâm nóng ký ức tuổi thơ trong lòng Tuất. Lớp áo tuyết trắng phủ quanh mấy cành táo khẳng khiu lại làm Tuất nhớ tới những bao xốp trắng ôm tròn mấy cọng rau nhút mọc đầy ao đầm ở xã Long Kiến, quận Chợ Mới, Tỉnh An Giang, nơi Tuất sanh ra và lớn lên. Bao nhiêu hình ảnh ấp ủ từ trong sâu thẳm chợt ùa về theo hương vị nồng nàn của rau nhút hòa quyện với nước chấm mằn mặn của tô mắm kho do bà ngoại Tuất nấu. Quê ngoại ở cạnh quê nội, nằm trên Cù lao Ông Chưỡng ở giữa lòng sông Hậu, nổi tiếng có nhiều cá tôm, đến độ chim chóc trên trời kháo nhau kéo đến mà ăn:
Ba phen quạ nói với diều,
Cù-lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm.
Tuất không biết nó nhiều cỡ nào, nhưng nhớ mãi chuyện bà ngoại kể lại. Tới mùa nước lớn cá từ Biển Hồ bên Nam Vang đổ xuống, rồi theo nước lũ tràn ra đầy đồng. Dân làng tha hồ lội xuống ruộng vớt lên, gánh đem về nhà làm khô làm mắm. Đi dọc đường, chốc chốc thấy nặng trên vai thì dừng lại lựa một con cá lớn từ thúng trước và một con từ thúng sau vứt đi cho nhẹ gánh.
Nghĩ tới cá với mắm Tuất lại nhớ tới hương vị thơm ngọt của mấy khứa đuôi cá lóc dùng làm dịu cái mặn của tô mắm kho để và với rau sống, mà bà ngoại Tuất từng lụm cụm nấu đãi họ hàng mỗi lần có bà con bên nội qua thăm. Lần nào bà cũng không quên vớt hai con tôm thẻ ngọt sớt trong tô mắm để riêng vào chén cơm của Tuất, sợ ‘tụi nhỏ ăn hết món ruột’ của cháu cưng của bà. Ăn xong không lâu Tuất chạy theo mấy anh em con nhà chú, nhà bác, nhà cô, nhà dì, tung tăng ra sông ôm bẹ dừa, bắp chuối, bơi lội đùa giởn dưới nước.
Chán rồi thì chèo xuồng dọc theo mấy con rạch hái bình bát, lựa mấy trái gần chín tới, tuy mới hườm hườm nhưng khi kề gần mũi đã thấy thơm ngát mùi trái ngọt. Đem về vú trong khạp gạo qua đêm là lấy ra ăn được rồi. Tuy là món ăn vặt của con nít nhưng đối với chúng thì ngon không thua gì mãng cầu của người lớn.
#
Câu chuyện ‘Cái đèn pin’ cũng bắt nguồn từ mảnh đất chôn nhau cắt rún đó, năm Tuất 16 tuổi, và vào cái ngày đám cưới người anh cả của Tuất. Một buổi sáng đẹp trời, mấy gốc tre già cũng kẽo kẹt reo vui, bên hàng trâm bầu đầy lá xanh tươi lung linh trong nắng. Giữa cảnh đồng ruộng quen thuộc nhưng hôm nay tưởng chừng quá xa lạ, chú rể mỉm cười nửa miệng, sượng sùng đi bên cạnh cô dâu cúi đầu e thẹn. Họ hàng thụng thịnh trong những bộ quần áo mới chưa quen, tề chỉnh, nghiêm trang, cất bước rước dâu về nhà chồng. Tuất cùng đám con nít lội ruộng chạy theo hai bên, tranh nhau ngắm nhìn cô dâu xúng xính trong bộ áo dài sặc sỡ. Con nhái bên bờ thấy động nhảy tỏm xuống mương. Xa xa đàn cò đang rình cá trên ruộng giật mình tung bay. Con cua đồng ở miệng hang thụp trốn, chẳng khác thằng Út con thím hai hồi nãy bên nhà cô dâu, đã mắc cỡ co đầu rút cổ khi má nó bắt nó chào hỏi chị dâu mới.
Tiệc cưới linh đình diễn ra ở phía trước căn nhà ba gian do ông nội Tuất để lại. Rượu thịt ê hề, người lớn con nít ăn uống hả hê. Cuộc vui kéo dài tới tối. Mặt trời chưa kịp lặn, bác Năm, ba Tuất, đã lom khom đặt cái đèn măng-sông lên giữa bàn, lui cui bơm hơi dầu lên. Bà con họ hàng, chòm xóm, người lớn con nít, quây quần chung quanh để 'coi đèn', và đã không thất vọng khi vùng ánh sáng trắng tưng bừng bùng lên xua đuổi bóng đêm khỏi khoảng không gian tăm tối, bình thường vẫn ngự trị khắp thôn xóm, chỉ chừa vài ngọn đèn dầu nhá nhem đó đây ẩn mình sau các lũy tre âm u khép kín.
Riêng Tuất lòng bồn chồn chờ đợi một bất ngờ từ chú Tám, em út của ba Tuất, đã lập nghiệp trên Sài Gòn từ nhiều năm trước và rất ít khi có dịp về quê thăm họ hàng, ngoại trừ vào những dịp lễ lạc quan trọng như ngày đám cưới của anh nó hôm nay. Mỗi lần về chú Tám đều đùm đề quà cáp từ thành phố để tặng bà con dưới xứ. Mọi người đều có phần, không lớn thì nhỏ. Lúc còn ông bà nội Tuất, thì ông bà thường nhận được mền và lủ khủ nhiều chai lọ, đựng dầu xoa, thuốc uống, lớn nhỏ đủ cỡ, trị bá bịnh khác nhau cho người già. Ba Tuất thì chờ đợi một chai rượu Tây và mấy bao thuốc lá COTAB, nhưng cũng không thiếu bịch thuốc rê với vài xấp giấy quyến để người tự vấn thuốc hút theo thói quen khó bỏ. Má Tuất thường thủ thỉ cám ơn thím Tám đã mang xuống mấy xấp vải Mỹ A và 'soa' mới để may quần áo, kể cả một số mỹ phẩm mà cả đời bà ít có dịp dùng.
Đó là nói về những phần quà trong cái rương mây mà chú Tám khệ nệ mang về từ Sài Gòn, và được phân phối ngay sau khi đặt chân lại ngôi nhà xưa nơi chú từng lớn lên. Tuất cũng có phần trong đó, nhưng thường là các món 'chán phèo', vì không ngoài những món quà kinh điển cho học trò, như tập vở, viết mực hay tự điển. Phải chờ tối đến chú Tám mới lọ mọ khui đồ chơi 'độc đáo' ra, rồi kêu Tuất lại gần, dúi vào tay. Bên vũng sáng trắng rực rỡ vây quanh cái đèn măng-sông, chú Tám khệ nệ khiêng cái máy hát đĩa đặt lên bàn. Chú cầm một đĩa nhạc đen nhánh lên, nhắm tới nhắm lui, thổi phù phù mấy cái vào mặt đĩa cho sạch bụi trước khi nhẹ tay đặt vào giữa máy hát và lên dây thiều cho hát mấy bài vọng cổ. Cả không gian yên tĩnh bỗng nở rộ lên những nụ cười vui cửa vui nhà, vang dậy những tiếng reo giữa lòng nắng hạn gặp mưa rào, đánh dấu thời khắc đỉnh điểm của cuộc vui ngày cưới cho mọi người. Có lẽ chỉ ngoại trừ cô dâu và chú rể!
Ba Tuất rót trà ra chung mời sui gia và các bác lớn tuổi. Bác Hai kéo một chân để lên ghế, lim dim đôi mắt, nhắm một miếng trà, tận hưởng từng tiếng hát lời ca. Bác tằng hắng một tiếng, hỏi trổng:
- Bài này trong tuồng nào vậy?
Chú Tám biết anh Hai mình rất sành cải lương, làm gì không biết tên tuồng. Chú do dự trả lời:
- Tuồng cải lương 'Người Vợ Không Bao Giờ Cưới' của soạn giả Kiên Giang đó anh Hai.
Bác Hai lại tằng hắng:
- Bữa nay ngày cưới của thằng nhỏ, sao lại hát người vợ không bao giờ cưới?
Ông sui cười khì, vả lả xen vào:
- Ờ thì miễn có tiếng 'cưới' trong đó, nghe cũng vui mà anh Hai.
Bác Ba hàng xóm cười hề hề:
- Cưới hay không gì tui hổng biết, miễn có Út Bạch Lan ca là tui vui rồi!
Chú Sáu ở xóm trên lè nhè phụ họa qua men rượu:
- Nếu còn có thêm Thanh Nga xuống mấy câu nữa thì sướng mút mùa.
Trên bộ ván gần đó, các bà ngồi trên chiếc chiếu bông quây quần quanh ô trầu bằng đồng mới chùi mấy bữa trước, còn óng ánh vàng bên ngọn đèn dầu. Bà Cô của Tuất nói vọng qua:
- Bên này người ta chờ Hữu Phước đó mấy ông ơi.
Cứ vậy mà họ nhập cuộc. Tách trà còn ấm trên tay, ly rượu chưa vơi, nhưng lời qua tiếng lại, chén tạc chén thù, thay lời thăm hỏi quan tâm tới nhau lúc ban đầu đã trở nên thưa thớt rồi vắng lặng, nhường chỗ cho lời ca điệu hát văng vẳng trong đêm, nhưng tưởng chừng không thể gần gũi hơn với ruộng vườn sông nước miền Tây.
... Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
Giọng hát Thanh Nga, mang hơi hướng cô láng giềng chơn chất nhưng thắm thiết, nhẹ nhàng chuyên chở dòng suối cội nguồn vượt đồi sim tím từ núi rừng miền Trung về tới tận bờ sông Hậu thắm đượm đời lữ thứ. Người người mơ màng chờ đợi từng nhịp song lang, tìm cái kết thúc cho những nỗi niềm lưu cữu chìm đắm tận đáy lòng bao thế hệ khai phá phương Nam.
Tuất cùng đám con nít, đứng xúm xít quanh bàn ăn sau lưng những người lớn, đổ dồn bao nhiêu cặp mắt từ hướng cái đèn măng-sông lúc trước sang cái máy hát kỳ diệu. Tuất bị cuốn hút theo từng vòng quay của đĩa nhạc, chăm chú quan sát cả nhịp chuyển động nhấp nhô của đầu kim trong mối băn khoăn về nguồn gốc xuất phát của lời ca tiếng nhạc.
Trong khi còn chưa thỏa mãn được óc tò mò, Chú Tám đến khều vai Tuất ngoắt ra phía sau nhà. Chú mở bịch giấy đang cầm trên tay lấy ra cái đèn pin vỏ nhôm láng bóng trao cho Tuất. Tuất trố mắt nhìn món quà bất ngờ, nhoẻn miệng cười cám ơn, rồi chẳng nói chẳng rằng chĩa đèn pin về hướng một góc tối nhứt ngoài vườn, dưới hai cây soài dày đặc tàn lá tưởng chừng không để lọt vào một thứ ánh sáng trăng sao nào. Tuất hăm hở tìm cách bật đèn rọi vào một gốc soài trong niềm chờ đợi phép mầu, cãi lẽ trời đất mà ban phát ánh sáng cho vạn vật từ cái đèn nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay của mình.
Từ gốc soài lên ngọn tre, từ giàn mướp qua chuồng gà, cột sáng huyền bí tung tăng khắp vườn, điểm mặt vạn vật trong trò chơi cút bắt với thiên nhiên của Tuất. Chú Tám đứng kế bên lim dim sung sướng, chia sẻ khoảnh khắc háo hức khám phá thế giới xung quanh của tuổi trẻ, như con chó con chạy loanh quanh đánh hơi mọi thứ, sủa nà mọi vật nó bắt gặp, dưới ánh mắt theo dõi của con chó mẹ uể oải nằm một xó cố nhướng mắt trông chừng.
Cả tuần qua Tuất với cái đèn pin của chú Tám cho như hình với bóng. Chiều nay vừa ăn cơm xong, chưa kịp buông đũa, Tuất đã hối hả đứng dậy đi ra ngoài gom rơm để đốt, xông khói cho chuồng trâu. Bác Năm để ý mấy ngày nay, thấy con sốt sắng lo việc nhà lấy làm mát lòng, chống đũa khen:
- Thằng Tuất ngày một lớn, coi bộ giỏi giang hơn.
Bánh, anh thứ ba của Tuất, nhếch mép cười khẩy:
- Nhờ có cái đèn pin của chú Tám cho nó đó ba ơi.
- Ủa, sao vậy?
- Mấy đêm nay nó ham ra ngoài đồng rọi đèn pin lên trời coi chơi, nên kiếm chuyện lo cho mấy con trâu của ba đó.
Bác Năm vỡ lẽ:
- Vậy mà ba tưởng nó thấy mấy bữa nay trời mưa, sợ muỗi mòng ra nhiều, nên lo xông muỗi cho trâu.
Bánh chợt nãy ra một ý nghĩ:
- Sau trận mưa hồi chiều chắc cóc ra đầy vườn. Hổng chừng tối nay mình mượn đèn thằng Tuất đi soi cóc, nấu cháo đậu xanh ăn một bữa.
Bà Năm chống đũa can ngăn:
- Nhà mình ăn uống đâu có thiếu thốn gì. Bày đặt ăn chi ba cái thứ độc địa vậy hổng biết.
Bác Năm trai mại hơi nói:
- Tụi bây mà có được một xị đế ngon thì tao hổng cản làm gì.
Bà Năm đặt chén cơm xuống bàn, can ngăn thêm:
- Bộ con quên năm ngoái có mấy người ở xóm trên cũng vì ăn thịt cóc mà cả đám phải vô nhà thương hết trơn sao. Má nghe nói may mà họ còn trở về được. Nhiều khi mất mạng như chơi.
Bánh lua vội vài hột cơm còn sót trong chén, nói cho mẹ an tâm:
- Tại họ hổng biết cách làm đó má ơi. Thằng Ngan hồi trước giữ trâu cho mình đó, nó làm thịt cóc là bảo đảm. Chặt đầu, lột da, ruột gan phèo phổi gì cũng bỏ hết, chỉ còn thịt trắng tươi, ngon thấy mồ. Con nhậu với anh em tụi nó hoài, có sao đâu.
Bánh lo là nếu cứ nấn ná bên bàn ăn, bà Năm sẽ tìm ra thêm lý do để cản ngăn, nên anh vội đứng dậy tiến về hướng cửa trước, và sai sải một mạch tới nhà Ngan rủ hai anh em nó đi soi cóc. Trên đường đi tìm Tuất, ba người gặp thêm anh Dần, một bạn cấy nghe vui tháp tùng luôn. Cả đám vừa đi qua khỏi chuồng trâu, đã thấy ngoài xa xa có ánh sáng đèn pin nhảy múa trên đầu mấy ngọn tre.
Hai đêm đầu Tuất cầm đèn pin trong tay rong ruổi khắp ruộng vườn theo sự sai khiến của ánh sáng dẫn đường, phô diễn trọn vẹn uy lực đẩy lùi các bóng đen ma quỷ. Khi thì nó dẫn Tuất tới đối diện với con chằn mà từ nhỏ Tuất đã nghe tiếng là hằng đêm nó về ngủ dưới gốc bụi tre sau nhà. Té ra chỉ thấy một con nhái con chàng hiu trố mắt nhát người, chẳng có gì đáng sợ như con chằn bị Thạch Sanh giết mà bà ngoại Tuất từng gieo trong tâm khảm chàng từ thuở nhỏ qua một câu chuyện cổ tích được lập đi lập lại nhiều lần.
Khi thì ánh đèn pin tò mò dò la tìm tới đống phân người dưới cây trâm bầu bên mé sông, nơi mà theo thói quen hằng ngày Tuất vẫn đến giải tỏa bầu tâm sự của hệ tiêu hóa. Trẻ con trong vùng quê hẻo lánh sợ ma sợ quỷ là chuyện thường, mà hình như còn sợ theo mùa nữa. Lúc trước sợ ma cà rồng hút máu bao nhiêu, thì dạo gần đây lại sợ ma lai rút ruột nhiều hơn. Nếu xui xẻo khi tối đến ma lai ăn phân đứa nào thì đứa đó sẽ bị rút ruột chết. Dù lớn lên, đặc biệt là sau khi Tuất đã lên trung học, nhờ học hỏi thêm chút kiến thức từ thầy tới bạn, những ám ảnh về thế giới vô hình không còn là mối lo thường xuyên trước khi đi vào giấc ngủ mỗi đêm. Tuy nhiên đã sở hữu cái đèn pin trong tay, Tuất vẫn muốn tìm đến kiểm chứng cho chắc ăn. Mong đồ phế thải của mình lúc ban ngày vẫn còn nguyên đó để yên tâm hơn là mình sẽ còn sống qua đêm nay.
Mấy ngày kế tiếp Tuất không còn hứng thú đi tìm ma quỷ, chỉ thích đứng trên bờ ruộng giữa đồng không mông quạnh rọi đèn thẳng lên bầu trời để chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ diệu của ánh sáng. Trong bóng đêm Tuất đứng uốn người ra phía sau, ngửng mặt lên cao, giương mắt nhìn dọc theo cột ánh sáng cho tới khi nó mất hút vào khoảng không mù mịt. Tuất lặng người đi, trong niềm băn khoăn về nguồn gốc và bản chất của ánh sáng.
Tuất liên tưởng đến hiện tượng cầu vồng thường xuất hiện sau các cơn mưa, và những lời giải thích của thầy Trí hồi năm học lớp nhứt trong một lần Tuất cùng các bạn đến thăm thầy ở nhà. Thầy nhắc tới những khái niệm về ánh sáng trắng từ mặt trời, và hiện tượng khúc xạ khi những tia sáng màu kết hợp thành ánh sáng trắng bị chệch hướng theo những góc độ khác nhau. Tới nay dù những thuật ngữ lạ tai mà thầy Trí nhắc tới vẫn nằm ngoài khả năng nhận thức của Tuất, nhưng lối giải thích dựa trên nền tảng khoa học đã in đậm trong ký ức chàng.
Ánh sáng có sức thu hút con người hay mang lại tâm trạng vui vẻ phấn chấn hơn thì ai cũng biết, dân gian đã chẳng có câu 'Đèn Sài-gòn ngọn xanh ngọn đỏ' để ám chỉ sức thu hút lôi cuốn của chốn phồn hoa đó sao. Riêng với Tuất, ánh đèn pin lạ mắt còn khơi dậy tính hiếu kỳ, và mang lại cảm giác lâng lâng, thôi thúc ý chí vươn xa, bay cao, âm ỉ cháy trong lòng Tuất xưa nay.
Tiếng gọi của Bánh kéo Tuất về thực tại. Tuất do dự trao đèn pin cho anh đi soi cóc, cúi đầu lủi thủi về nhà. Bánh quay sang đám bạn thì thầm, 'May quá, mới mở miệng hỏi, nó đã cho mình mượn đèn. Ngày thường nó giữ của hổng ai bằng.' Bánh nhắc lại chuyện hộp banh quần vợt mà chú Tám đã cho Tuất mấy năm trước. Thật ra ý chú Tám là gián tiếp cho ba của Tuất một trái banh để độn dưới yên xe đạp ngồi cho êm, nhưng ngoài miệng lại nói là tặng hộp banh cho Tuất nhân dịp nó trúng tuyển vào trường trung học Thoại Ngọc Hầu. Ngày hôm sau, khi đi học về Tuất thấy trong hộp thiếu một trái banh, và biết ba mình đã dùng để lót yên xe, Tuất ra sân ngồi khóc nức nở suốt buổi chiều, không màng ăn uống.
Nỗi lo của bà Năm đã thành hiện thực. May mà bà đã cản ngăn không cho Tuất tham dự buổi tiệc định mệnh. Những người ăn cháo cóc đều bị ngộ độc, người nặng kẻ nhẹ. Xấu số hơn hết là Dần, đã chết thảm. Ba má Dần có ý trách Tuất, than phiền với xóm giềng là mấy đêm trước Tuất thường cầm đèn pin rọi vô miếu hoang bên rạch Ông Chưỡng, nên bị kẻ khuất mặt khuất mày quở. Ba má Tuất cảm thấy xót xa, nóng lòng xoa dịu nỗi đau trong lòng gia đình nạn nhân, và cũng để tránh bà con trong làng trách cứ, đã quăng cái đèn pin của Tuất đi mất tăm giữa dòng sông lớn.
Trớ trêu thay dòng nước chuyên chở bao kỷ niệm ấu thơ của Tuất lại chính là mồ chôn một nửa hồn anh. Cái đèn pin nằm trong tay Tuất mỗi đêm không là một vật thể vô hồn. Nó là bầu bạn trung thành của một đứa trẻ đang hăm hở khám phá thế giới quanh mình. Mất nó đi là một sự mất mát lớn lao trong lòng Tuất. Ba má Tuất biết tánh con, không thể không cảm nhận được nỗi đau trong lòng con, nhưng họ cũng là nạn nhân của cảnh ngộ, không biết phải làm gì hơn. Không khí quanh bàn ăn từ đó trở nên nặng nề. Không ai thốt nên lời. Một sự yên lặng chát chúa tiếng phản đối của Tuất, vang dội tiếng khóc nức nở lần trước khi Tuất bị tước mất một món đồ chơi nó ưa thích.
Sau mỗi buổi ăn Tuất lầm lũi ra bờ sông, đứng một mình trên gò đất cao, dõi mắt ra xa thả hồn theo dòng nước xiết, mường tượng hành trình của chiếc đèn pin vô tội, và cầu mong cho ánh sáng của nó có thể đưa nó đến những chân trời xa lạ, từ lòng sông ra đáy biển tới các hành tinh trong vũ trụ. Tuất mơ ước được theo chân ánh sáng đi khắp địa cầu, làm sống lại cuộc phiêu lưu thú vị của ông Phan Phúc trong truyện 'Vòng quanh thế giới trong 80 ngày' của tác giả Jules Verne mà Tuất đã có lần đọc. Câu chuyện vẫn hằn mãi trong tâm khảm Tuất. Từng trang sách dẫn Tuất tới những vùng đất xa lạ với nhiều địa danh anh chưa từng nghe, gặp gỡ những thổ dân anh chưa từng biết, để chứng kiến nhiều điều thú vị, lắm chuyện lạ lẫm mà đối với Tuất tưởng chừng xảy ra từ một hành tinh xa xăm diệu vợi nào.
Ở trường học Tuất cũng không thoát khỏi cảm giác cô đơn vì sự lạnh nhạt của bạn bè, đặc biệt là hai đứa em của Dần. Nếu thường ngày mấy người bạn đồng thôn vồn vã và thân thiết với Tuất bao nhiêu, thì giờ đây lại xa cách bấy nhiêu. Họ không trách móc Tuất, nhưng niềm vui trong ánh mắt họ mỗi khi gặp Tuất đã không còn đó nữa. Những khoảnh khắc mấy anh em tâm tình thân thiết dưới gốc cây điệp trên sân cỏ nhà trường như đã lùi xa vào quá khứ mà không bao giờ còn bắt gặp lại được. Tuất cảm thấy buồn bã và hối tiếc vì đã cho anh mình mượn cái đèn pin.
Cảm giác cô đơn lẫn mặc cảm tội lỗi đeo đuổi Tuất tận nhà, len vào giữa giờ ăn và giấc ngủ của Tuất. Những lời khuyên nhủ hằng ngày của cha mẹ nhằm khuyến khích việc học hành càng trở nên nhàm chán và vô nghĩa: 'Con ráng chịu khó học hành cho đỡ tấm thân sau này' hay 'Ráng đỗ đạt thành tài để được làm ông này ông nọ với người ta.' Cậu bé Tuất chưa bao giờ mơ ước một cuộc sống tương lai sung sướng hay đầy quyền thế trong xã hội.
Mất ánh sáng đèn pin, mất khởi động tò mò trí tuệ, ngày qua ngày Tuất cảm thấy chán chường hơn, và mất hết động cơ còn sót lại để đeo đuổi lối mòn tiến thân được lát bởi các mảnh bằng từ trung học tới đại học mà người đời dễ dãi hài lòng như những an bài của số phận. Người người, nhà nhà nghiễm nhiên xem bằng cấp là cứu cánh đời sống trên hành tinh gọi là địa cầu, để các đàn cừu thế hệ dẫm lên nhau đi, xây dựng thiên đàng mộng mị cho kiếp người ngắn ngủi. Trên con đường hoạn lộ đó bằng Trung Học Đệ Nhứt Cấp dẫn tới trường Hạ Sĩ Quan, đỡ khổ thân hơn phải đi lính trơn; bằng Tú Tài 1 được vào trường Sĩ Quan trừ bị, đem lại niềm hãnh diện cho gia đình; Tú Tài 2, trường Võ bị Đà Lạt với hy vọng có thể lên Tướng, Tá với người ta. Tốt hơn là bằng Dược Sĩ để có thể cho doanh nhân mướn mở nhà thuốc Tây, mình ngồi không đếm tiền, chí ít cũng 20 ngàn đồng mỗi tháng; và sau cùng là bằng Bác Sĩ để được ... vợ đẹp và cứ thường lại thêm vài đứa con ngoan.
Tuất mang ý định lên Sài Gòn sống với chú Tám, nhưng lại lo là chú không chấp thuận việc Tuất bỏ nhà ra đi. Mặc dù chú có hứa sẽ nuôi Tuất ăn học tới nơi tới chốn, nhưng với điều kiện là Tuất phải học hết bậc trung học ở tỉnh nhà trước. Tuy nhiên Tuất cảm thấy không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới ngày đó. Tuất nóng lòng lấp đầy khoảng trống vô nghĩa đang bủa vây quanh mình với những đồ vật lý thú như những món quà xưa nay của chú Tám từ Sài Gòn mang về. Từ những quyển truyện phiêu lưu, tới cái la bàn, hay đơn giản chỉ là một thỏi nam châm, hay một cái com-pa vẽ vòng tròn, cũng đủ dựng lên cả một thế giới khám phá riêng tư của Tuất.
Sáng thức dậy Tuất xách cặp đi học như mọi ngày, nhưng hôm nay trong cặp chỉ chứa hai bộ quần áo mới với cái la bàn. Như mọi khi, Tuất chèo xuồng gần nửa tiếng đồng hồ tới ngang miếng đất nhà Bác Hai thì cột xuồng vào gốc cây dừa, rồi lên bờ đi bộ thêm 20 phút, sau khi qua khỏi đầm rau nhút là tới trường. Tuất bước từng bước nặng nề trong nỗi lo âu, không còn để mắt tới con rùa vàng nhỏ xíu, với đôi cánh trong suốt như pha lê, mà thường ngày Tuất rất thích ngắm, đang bò trên mấy tai bèo xanh trong cái ao bên đường. Tuất cũng không thiết tha rình rập, nắm đuôi con chuồn chuồn trâu vằn vện xanh vàng như chiếc trực thăng tí hon cố giữ thăng bằng trên ngọn sậy bên mé mương. Gần tới cổng trường sợ bạn bè nhìn thấy, phát giác những ý nghĩ thầm kín của mình, tim Tuất đập nhanh muốn thoát khỏi lồng ngực. Tuất bước chậm lại vài bước đắn đo an thần, sau cùng đã dứt khoát cắm đầu bước nhanh qua phía bên kia đường, lần theo bóng hàng me cổ thụ, hướng ra chợ Kiến An, đi thẳng tới bến xe đò.
Tuất ngồi trên băng trước xe đò Hiệp Hòa, chờ tới giờ khởi hành đi Sài Gòn, hai cánh tay ôm chặt cặp táp trước ngực, mắt nhìn chằm chằm phía trước, bên kia khung kính chói lòa ánh mặt trời, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Dưới đất ông Tư tài xế sặc khói thuốc, ho sù sụ từng chập, nhưng không ngớt đi đi lại lại quanh xe, thắt dây cột chặt thúng giỏ của bạn hàng chất đầy trên mui xe. Ông Tư vừa bước lên xe, Bà Bảy ngồi phía sau Tuất đã chồm tới hỏi:
- Ủa thằng Lượm đâu, sao bữa nay hổng thấy nó phụ ông vậy?
Ông Tư thả người xuống chiếc ghế tài xế, đốt thêm một điếu thuốc, rít một hơi dài, rồi uể oải đáp:
- Nó bị bắt lính rồi bà ơi.
- Ủa hồi nào vậy?
- Mới chiều hôm qua. Xe về tới trạm xét cuối ở cầu Renault mấy ông lính nói nó xài giấy tờ giả nên bắt đi luôn rồi.
Vừa dứt câu ông Tư lại ho lên sù sụ. Bà Bảy nóng lòng khuyên:
- Ông phải kiếm đứa khác phụ, chứ già rồi mà vừa lái xe vừa khiêng đồ, chất đồ lên xe như vậy, làm sao lo cho xuể.
Ông Tư nhướng mắt nhìn ra bên ngoài, chán chường nói:
- Thời buổi này tụi nó bị bắt lính hết trơn rồi bà ơi. Kiếm đâu ra một đứa phụ mình.
Nghe nhắc tới lơ xe, Tuất mơ màng nhớ lại một thú vui thuở nhỏ. Mỗi khi có dịp vài anh em bạn chăn trâu thường rủ nhau chèo xuồng ra ngã ba Cầu Dừa trên quốc lộ để 'coi xe', một thú vui đứng bên lề đường đợi xe đò chạy ngang qua trố mắt coi chơi. Hả hê rồi thì xuống xuồng chèo về làng. Lúc sau này xe cộ chạy thường xuyên hơn, không còn lạ mắt nữa, vả lại còn có nhiều đoàn xe nhà binh chở lính tráng mang đầy súng ống, khiến bọn Tuất lo sợ, không còn thiết tha với trò giải trí này nữa.
Tuy nhiên quang cảnh vui nhộn tại ngã ba Cầu Dừa mỗi khi có xe đò dừng lại đón khách thì chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí Tuất. Chiếc xe từ xa chạy tới, chợt tấp vào lề, kéo theo đám bụi mịt mù làm vấy lên quang cảnh ồn ào náo nhiệt, đầy tiếng người kêu kẻ réo ơi ới, lẫn những lời tiễn biệt và những câu hẹn hò gởi gấm đến nhau giữa người đi và kẻ ở lại. Các hành khách bạn hàng thì lăng xăng thu gom thúng giỏ để bên lề. Bụi đất vừa lắng xuống anh lơ đã đứng sừng sững trên mui xe, kéo hàng hóa lên, xoay bên này trở bên kia, tới tới lui tự nhiên như người ta đi trên mặt đất, lui cui niềng siết, ràng rịt hành lý, miệng không ngớt bãi buôi với hành khách: 'Má Hai ơi má Hai, đưa cái thúng bên này lên cho con.' hay 'Ngoại lên xe trước đi, để giỏ đó một lát nữa con xách lên cho ngoại.'
Trước khi xe rời bến anh lơ từ trên mui xe leo xuống đứng trên cái bửng phía sau xe, một tay bám chặt thành sắt lấy thế để ngả người ra bên ngoài, rảo mắt quan sát trên dưới kiểm điểm an toàn quanh xe, và cũng không quên phóng tầm mắt nhìn ra xa trên con đường đất và đường sông dẫn ra quốc lộ xem còn sót lại hành khách đến trễ không. Sau đó anh lơ mới vẫy tay ra dấu cho tài xế rời bến. Hình ảnh tháo vát của anh lơ xe, lăng xăng lo liệu mọi thứ từ lúc xe đến tới lúc xe đi, tạo một ấn tượng của người chỉ huy đang điều quân khiển tướng trong cặp mắt đầy thán phục của cậu bé Tuất.
Trở về thực tại, Tuất ngỡ ngàng cảm thấy chiếc xe đò từ từ lăn bánh tiến ra khỏi thành phố. Cảnh đồng ruộng quen thuộc hai bên đường bắt đầu lùi nhanh về phía sau, để lại một khoảng trống lo âu bồn chồn trong lòng Tuất. Tuất ghì chặt cặp táp trong tay, như níu kéo một kỷ vật cuối cùng, khi tầm nghiêm trọng của cuộc phiêu lưu vô định sau cùng đã bắt kịp với Tuất. Tuất miên man ôn lại hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình, nhiều câu hỏi dồn dập kéo đến mà không có câu trả lời nào dứt khoát. Chú của Tuất có chấp nhận cho Tuất ở lại nhà ông không. Tuất nên tiếp tục việc học hành mà Tuất đã cảm thấy chán ngán, hay tìm một việc làm mà Tuất chưa biết là việc gì.
Xe dừng lại tại ngã ba Trung Lương một trạm nghỉ chánh của xe đò miền Tây. Hành khách lũ lượt xuống xe, túa ra các quán ăn hay đổ về mấy sạp trái cây bên lề đường. Một số người ngồi lại trong xe ăn thức ăn đã mang theo sẵn. Trong số đó có Tuất, nhưng Tuất biết thân mình không nhiều tiền, ngoại trừ tám chục đồng dành dụm được từ tiền lì xì mấy năm qua, nên sáng nay đã cố ăn thêm một chén cơm dằn bụng. Ông Tư tài xế ngồi uống trà, hút thuốc, trên cái ghế đẩu đặt bên ngoài một quán lá. Tuất nhìn ông Tư chằm chằm, muốn tiếp cận ông nhưng lại ngại. Sau cùng Tuất lấy hết can đảm bước xuống xe tiến đến chào hỏi ông Tư. Chưa kịp bắt ghế ngồi, Tuất đã hỏi:
- Xe ông Tư có cần người làm lơ không?
Ông Tư ngạc nhiên trả lời:
- Cần thì không cần, nhưng sao cậu hỏi vậy.
- Dạ, tại hồi ở bến xe con nghe ông Tư nói chuyện với bà hành khách đó mà.
Ông Tư chợt hiểu,
- À, chuyện thằng lơ tôi bị bắt lính đó hả. Có điều hồi nãy tôi hổng muốn nói. Hôm nay là bữa chót tôi lái xe đò. Ngày mai tôi trả xe rồi, nhưng chắc thế nào ông chủ xe cũng kiếm mướn lơ mới.
Tuất cúi đầu thất vọng. Ông Tư trố mắt như cặp đèn pha lướt trên người Tuất từ đầu tới chân, hỏi:
- Ủa bộ cậu muốn xin làm lơ hả?
Không biết phải trả lời sao cho tiện, Tuất nhoẻn miệng sượng sùng rồi xoay người đi cố tránh ánh mắt dò hỏi của ông Tư. Tuấn thả mắt ra nơi chiếc xe đò đang đậu bên đường, nuối tiếc một cơ hội thực hiện giấc mơ làm lơ xe vừa vụt mất. Ông Tư rít một hơi thuốc,
- Coi bộ cậu còn đang đi học mà? Chắc tại mấy năm nay thất mùa liên miên, cậu muốn kiếm việc làm phụ gia đình hả?
Tuất thầm cám ơn ông tài xế già đã vô tình hay cố ý mở một lối thoát cho Tuất. Tuất gật nhẹ đầu như có ý thay cho câu trả lời.
Xe vừa qua khỏi cầu Bình Điền, không còn bao xa sẽ tới trạm xét cuối ở cầu Renault, trước khi tiến vào bến Sài Gòn. Tuất đang gục đầu trên cặp táp thấp thỏm lo âu, bỗng nghe tiếng ông Tư:
- Cậu dạy học được không? Tôi biết có chỗ đang kiếm thầy dạy kèm cho con họ. Thằng nhỏ năm nay cỡ chín mười tuổi gì đó.
Như người sắp chết đuối vớ được phao, Tuất chồm tới bên ông Tư hỏi:
- Vậy chắc nó mới học lớp nhì hay lớp nhứt gì đó phải không ông Tư?
- Chắc vậy.
Môi Tuất chợt nở rộng một nụ cười xóa sạch nét u ám trên khuôn mặt nặng trĩu âu lo mấy ngày nay. Cặp mắt ngời lên tia hy vọng, Tuất nhanh nhảu nói:
- Ông Tư làm ơn giới thiệu cho con nha.
Ông Tư gật đầu đồng ý, còn sốt sắng đọc địa chỉ nhà cho Tuất biết để hôm sau đến gặp ông. Tuất ngả người ra thành ghế, duỗi thẳng hai chân đắm mình trong niềm vui bất ngờ. Chẳng những Tuất tự tin vào khả năng mình, mà còn cảm thấy thích thú, dựa trên kinh nghiệm Tuất từng dạy luyện thi vào trung học cho hai đứa con trai của dì Sáu của Tuất trong mấy năm qua.
Xe vừa tắp vô trạm cuối tại bến xe đò miền Tây, Tuất tình nguyện leo tuốt lên mui xe chuyển hàng hóa xuống bên dưới cho hành khách. Chẳng mấy chốc chiếc xe lột xác trống rỗng từ trên xuống dưới. Hành khách bương bả túa ra tứ hướng, chỉ còn ông Tư đứng dựa cửa xe đếm tiền, kiểm điểm số thu hoạch trong ngày. Việc còn lại là lái xe về giao cho chủ lần cuối. Trước khi bước lên xe ông để ý thấy Tuất còn đứng tần ngần dưới trụ đèn, mắt không rời mảnh giấy trên tay mà ông đoán là một địa chỉ Tuất muốn đến nhưng lại ngại. Với kinh nghiệm rong ruổi kiếm ăn trên khắp mọi nẻo đường từ thuở thiếu thời, ông Tư đã đoán được phần nào hoàn cảnh ngặt nghèo của Tuất. Lại cảm thấy Tuất là một thanh niên đáng tin cậy từ khi mới gặp mặt, nên ông đã tế nhị không gạn hỏi hoàn cảnh riêng tư của Tuất mà sẵn sàng dang tay giúp đỡ.
- Cậu cần chỗ ở đêm nay thì tới nhà tôi ở tạm. Qua ngày mai muốn đi đâu thì đi.
Tuất rối rít bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Tư, coi như một ân nhân cứu mạng, và nhanh nhẹn theo ông bước lên xe, kết thúc ngày đầu lưu lạc tương đối xuôi buồm thuận gió, ngoại trừ sự hiện diện của những đám mây đen, những cơn sấm chớp, chợt đến chợt đi trong lòng Tuất. Tuất cảm thấy toàn thân nhẹ bỗng như vừa trút một gánh nặng, và thiếp đi trên chiếc ghế lắc lư, mặc cho chiếc xe luồn lách qua những ngõ ngách quanh co của phố phường, đưa đẩy kẻ quá giang tới một phương trời vô định.