CHƯƠNG 2: LANG BẠT ĐẦU ĐỜI

 

 

 

Căn nhà mái ngói sơn xanh tiệp màu rêu phong là nơi ông Tư trở về sau mỗi chuyến rong ruổi lái xe đường trường. Nhà tuy nhỏ nhưng nhờ nằm ở ngoại ô phía tây Sài Gòn, thuộc vùng nửa tỉnh nửa quê, nên xung quanh có vườn tược và cây cối xanh um. Sau cổng rào, làm bằng mấy nhánh cây khô đan chéo vào nhau, là con đường đất mòn nhẵn dẫn vào nhà. dưới tàng cây ổi xá lị một bên và bên kia là cây chùm ruột, trái kết li ti đầy cành.

Tuất theo chân ông Tư đến trước cửa nhà, vén bức 'màn trúc' treo ngang cửa, bước thẳng vào bên trong. Gọi là 'màn trúc' nhưng thực ra là màn giấy. Sau khi Mỹ trở thành một đồng minh của miền Nam Việt Nam, Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ có dạo cho lưu hành trong quần chúng tạp chí Thế Giới Tự Do để giới thiệu đời sống và xã hội Mỹ, cùng quảng bá những tiến bộ khoa học và kỹ thuật của nước này. Từng trang tạp chí nhìn rất bắt mắt, vì từ giấy mực tới hình ảnh và màu sắc đều có phẩm chất cao, lại thêm kỹ thuật ấn loát tinh xảo.

Người dân thường hiếm khi được sở hữu một món quà sang như vậy, nên sau khi đọc báo xong thì nhiều người không nỡ vứt đi, và đã nghĩ cách lưu lại làm của. Một sáng kiến thịnh hành là dùng giấy báo để làm màn trúc giả. Mỗi trang báo cũ được cắt ngang ra làm ba mảnh, se chặt rồi dán lại thành từng cuộn hình ống, lớn gần bằng ngón tay út. Sau đó mỗi ống giấy được coi như một mắt trúc, và người ta chỉ cần luồn những cọng kẽm nhỏ qua ruột của mỗi ống để nối chúng lại thành một chuỗi ống trúc giả. Nhiều chuỗi ống trúc giả kết lại treo lủng lẳng thành một bức màn. Nếu là màn trúc thật thì sau đó cần phải sơn phết phong cảnh hữu tình lên bên trên như thường thấy trưng bày ở các cửa tiệm. Còn màn trúc giấy thì tùy theo hình ảnh và màu sắc có sẵn trên từng trang tạp chí Thế Giới Tự Do mà nó có thể làm lộ ra một bức tranh lập thể không kém ngoạn mục.

A picture containing outdoor, plant, jar

Description automatically generated      Bà Tư và Hoa, con gái út của ông bà, đang lăng xăng nấu nướng dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Ông Tư bước vào nhắc bà Tư nấu thêm một phần ăn cho khách, trước khi thay quần đùi và dẫn Tuất ra sau hè đứng tắm, bên cạnh cái lu mái dầm đựng đầy nước mưa.

 

Mãi tới khi ngồi vào bàn ăn Tuất mới có dịp chào hỏi bà Tư và gặp mặt Hoa. Bà Tư tóc đã điểm sương. Khuôn mặt tròn phúc hậu lại thêm nụ cười hiền hòa rất giống mẹ Tuất. Sau khi nghe ông Tư kể lại việc gặp Tuất sáng nay, bà vồn vã hỏi thăm:

- Vậy cậu ở Long Xuyên hả. Quê tôi ở Lấp Vò, cũng gần đó.

Ông Tư ngồi kế bên, theo thói quen dù biết không tốt nhưng khó bỏ, pha một chút đường vào chung rượu đế thứ hai. Ông nhướng mắt, nhắp vô một miếng rượu, rồi khà hơi cay ra như khạc lửa, đúng điệu 'uống rượu rắn hổ' của bợm nhậu sành điệu. Ông lề mề đặt chung rượu xuống bàn, liếc nhìn bà Tư qua khóe mắt trêu chọc,

- Gần đâu mà gần bà ơi. Lái xe cũng mất cả tiếng đồng hồ. Bà sao hay thấy sang bắt quàng làm họ.

Bà Tư đâu dễ chịu thua,

- Hổng gần sao hồi đó ông cứ đeo theo xe đò từ Long Xuyên tới gặp tui hoài vậy!

Ông Tư gục gặc cả thân mình trên chiếc ghế đẩu, mắt dõi về miền quá khứ xa xôi, nhoẻn miệng cười chào những kỷ niệm đang theo men rượu ùa về làm lắc lư con thuyền ký ức. Ông ngả người qua ôm vai bà Tư. Bà sượng sùng, cự nự 'Ông này kỳ cục, nhà có khách có khứa kìa'.

Ai kêu bà nhắc tới làm chi, những ngày hạnh phúc nhứt của đời ông. Ông cũng chỉ bằng tuổi Tuất bây giờ, và cũng là lần đầu xa nhà, xuôi ngược tuyến đường Mỹ Tho-Long Xuyên làm lơ xe đò. Cho tới một hôm khi xe dừng lại trước chợ Lấp Vò rước hành khách, dù ông đang lăng xăng chất hành lý lên xe, nhưng vẫn cảm thấy có ánh mắt chăm chăm nhìn mình. Ánh mắt sao ngọt ngào tựa khúc mía ghim cô gái đang đứng bán bên đường. Tim ông đập rộn ràng. Vị ngọt thấu tâm can vương vấn theo ông về tới tận bến xe Long Xuyên. Nó sai khiến ông nài nỉ chú Hai tài xế sắp lái chiếc xe đò theo chiều ngược lại, cho ông quá giang trở về Lấp Vò tìm cô gái bán mía ghim của ông.

Kể từ đó sau mỗi chuyến đi Long Xuyên, ông đều đặn lập lại hành trình của con tim, và cũng từ đó người ta thường thấy phía sau cô thôn nữ tươi tắn đứng bán mía ghim bên lề đường, là anh lơ xe đò ngồi cong lưng róc mía trên thềm xi măng. Ôi kỷ niệm mối tình đầu. Ông Tư mơ màng tận hưởng hương vị mía ghim muôn thuở vẫn còn đây. Trong giây phút đã cay men rượu lại say men tình, ông nôn nả san sẻ hạnh phúc của mình với thế gian. Ông trừng trừng nhìn Tuất một chập, nhè nhè nói:

- Chừng nào cậu có công ăn việc làm, tui gả con gái tui cho cậu đó.

'Coi ba nữa kìa,' Hoa giận dữ trách cứ rồi gác đũa bỏ ra sau hè. Bà Tư vả lả,

- Chắc cậu tuổi Tuất hả. Vậy nó nhỏ hơn cậu một tuổi.

Tới lượt Tuất sượng sùng không biết bà Tư có ý gì. May mà trong lúc đó ông Tư loạng choạng đứng dậy nói:

- Thôi tôi đi ngủ đây. Cậu cũng lấy ghế bố ra ngoài sau vườn ngủ cho mát.

Tuất ngả mình trên chiếc ghế bố đặt dưới giàn mướp treo đầy những quả xanh dài lơ lửng tưởng chừng có thể với tay sờ được. Trong màn đêm tĩnh mịch, ánh trăng vàng len lỏi xuyên qua giữa mấy chiếc lá hình tim đong đưa trong gió, lúc ẩn lúc hiện, mang lại cả bầu trời quê hương trong lòng Tuất. Tuất buột miệng ngâm nga mấy câu thơ 'Thú ăn chơi' của thi sĩ Tản Đà.

Trời sinh ra bác Tản Đà

Quê hương thời có, cửa nhà thời không

Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông

Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly

Túi thơ đeo khắp ba kỳ

Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng

Thú ăn chơi cũng gọi rằng

Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian

Hà tươi cửa biển Tu Ran

Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà

...

Ôi Long Xuyên! Xa nhà đọc lại bài thơ học lóm từ đàn anh lớp lớn ở trường trung học Thoại Ngọc Hầu, Tuất cảm thấy thấm thía làm sao. Nếu Tản Đà chỉ một lần lưu lạc ghé qua vùng đất quê hương của Tuất mà còn mặn mà với 'chén mắm' Long Xuyên chừng ấy, thì thử hỏi đối với Tuất vùng đất chôn nhau cắt rún đó còn đậm đà trong lòng tới cỡ nào. Trong nỗi nhớ nhà ray rứt Tuất mong cha mẹ đã tìm thấy mảnh giấy mình để lại dưới gối, với dòng chữ viết vội: Con lên Sài Gòn ở nhà chú Tám, trước khi chìm dần vào giấc ngủ mang theo tâm trạng màn trời chiếu đất đầu đời.

Sáng sớm ông Tư dẫn Tuất qua nhà ông bà Hai Sang ở kế bên để giới thiệu Tuất vào dạy kèm cho con trai út của họ. Tuy là hàng xóm nhưng ông Hai Sang và ông Tư sống cách nhau bởi một bức tường dày cao khỏi đầu người, bên trên lại ghim đầy miểng chai. Nhờ chỗ hai người là đồng hương Mỹ Tho với nhau, nên ông Tư mới được tin cậy mà cho dọn vào thuê căn nhà của người giữ vườn trước kia cho gia đình ba má ông Hai Sang.

Ông Tư và Tuất vừa bước tới bãi cỏ trước nhà ông Hai Sang, gần hai cánh cổng sắt màu gạch cao khỏi đầu người, đã nghe tiếng cả bầy chó bu lại phía bên trong, hung hãn sủa vang. Cánh cửa hé mở đủ để một thanh niên đen đủi từ bên trong ló mặt ra nhận diện hai người. Hắn quơ tay quơ chân cản bầy chó lại, trong khi một tay kéo cổng sắt ra chừa đủ lối đi cho một người. Tuất không dám rời mắt khỏi bầy thú dữ, e dè bước chân theo ông Tư, nhưng bỗng nhiên bốn con chó bẹc-giê nhận ra ông và trở nên thân thiện, chạy loanh quanh vẫy đuôi mừng khách. Sau khi hoàn hồn, Tuất vừa ngó lên đã sửng sốt trước ngôi biệt thự hai từng trắng toát hiện ra sừng sững trước mặt. Tuất theo ông Tư đi thẳng ra phía sau giữa hai hàng cây kiểng uốn mình trong các chậu sứ cổ, đua nhau phô trương tàn lộng, cành nhánh với những đường cong nét gãy đặc thù của từng loại cây cảnh, từ tùng trăm năm tới cau nga mi, tới cây me, cây khế, cây chanh, cây quýt, chưa kể tới vài gốc mai tứ quý.

Ông Tư và Tuất đi mãi tới vườn sau mới gặp ông Hai Sang, vừa ăn điểm tâm xong, đang ngồi đọc báo dưới bóng cây mít. Ông nhìn ông Tư tươi cười hỏi:

- Bữa nay anh bắt đầu được rồi đó phải không? Mình lớn tuổi hết rồi chạy xe đò hoài sao nổi.

Ông Tư cúi đầu mỉm cười nói:

- Dạ, hôm qua tôi trả xe đò rồi. Chừng nào ông bà cần cứ hú một tiếng tôi qua.

Ông Hai thầm mừng biết được ông Tư vẫn còn giữ ý định đến lái xe cho gia đình ông. Chiến tranh ngày càng leo thang. Thanh niên phải nhập ngũ ngày càng nhiều và thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội. Trong vòng nửa năm qua đã có đến ba người tài xế xe nhà của ông Hai Sang bị bắt lính và phải xin nghỉ việc. Mấy bữa nay ông có hơi lo là ông Tư chê lương thấp đã đổi ý. Ông Hai Sang liền gọi chị Sáu giúp việc vào bên trong nhà lấy hai xâu chìa khóa xe Mercedes trao cho ông Tư.

Vừa dứt được mối lo thiếu tài xế, ông Hai cảm thấy phấn chấn, nhìn qua Tuất nửa đùa nửa thật:

- Ủa còn ai đây, lơ xe của ông hả. Muốn cho nó qua bên ga-ra sửa xe không? Mấy đứa thợ máy cũ bên đó cũng bị bắt lính hết trơn, còn lại có mình anh Bảy. Mấy bữa trước nghe nói ảnh kiếm được hai đứa mới, nhưng tướng tá coi bộ ốm yếu quá, sợ tụi nó làm không xuể.

Tuất nghe như mở cờ trong bụng vì bản tánh tò mò, và từ nhỏ vốn đã rất thích táy máy dọc phá máy móc, nhưng ông Tư nhanh nhảu đính chánh và giới thiệu Tuất vào dạy kèm cho Trọng, cậu con trai út của ông bà Hai Sang. Sau khi ông Hai Sang hỏi qua về quá trình học hành và kinh nghiệm của Tuất, ông đã đồng ý cho Tuất dạy tạm vài tuần. Mỗi tuần ba buổi, mỗi buổi một tiếng đồng hồ, dạy kèm môn toán cho Trọng. Tuất rối rít cám ơn ông Hai Sang.

Ông Tư phải ở lại trực trong nhà ông bà Hai Sang từ sáng tới chiều, để bất cứ lúc nào gia đình chủ cần đi đâu thì ông lái xe đưa chủ đi. Thường thì ông Hai Sang có thể tự lái xe đi lại, và người tài xế chỉ cần đưa rước các con của ông bà đi học. Thỉnh thoảng bà Hai cũng cần đi đến công ty xuất cảng hạt tiêu của hai ông bà để gặp khách hàng quan trọng hay kiểm soát sổ sách của công ty.

Ông Tư nhờ Tuất về nhà báo cho bà Tư biết là trưa nay ông sẽ về nhà ăn cơm. Ông còn khuyên Tuất nên tạm thời ở lại nhà ông cho tới khi tìm được chỗ ở khác sau này. Tuất vừa bước ra khỏi cổng nhà ông Hai Sang, nghe tiếng người nói cười phát ra từ chỗ tiệm sửa xe hơi ở kế bên, Tuất chợt nhớ tới lời ông Hai Sang, nên tò mò bước qua tiệm xem cho biết.

Ga-ra sửa xe là của ông Hai Sang, nhưng ông cho chú Bảy, một người thợ máy lớn tuổi, mướn để hành nghề. Xe cộ mang tới thường là taxi nhưng thỉnh thoảng có xe tư nhân hay xe cộ từ vài cơ quan dân sự của người Mỹ tọa lạc trong vùng. Các hội thiện nguyện hay hội thánh thường dùng xe đi công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, đường sá gập ghềnh, đầy hang ổ. Mấy bác tài thường than trời là đường xấu, phá xe dữ lắm, nên phải mang tới ga-ra để bảo trì hay chỉnh sửa luôn.

Tiệm sửa xe nhìn từ ngoài cổng trông như một căn nhà trống rỗng chỉ có hai vách ván hai bên, nằm dưới tàn cây me tây, tỏa rộng bóng mát trên mái tôn rỉ sét. Phía dưới là sàn xi măng rộng mênh mông, thừa chỗ để chứa ba bốn chiếc xe hơi cùng một lúc.

Một người khách quen thuộc của ga-ra là ông Sáu ‘Hoa tiêu’, trưa nào cũng thả ra ngồi uống trà coi thợ làm việc. Tên cúng cơm của ông là Sáu Hương, nhưng vì làm nghề hoa tiêu, hướng dẫn tàu bè ngoại quốc từ cửa biển Vũng Tàu tới bến cảng Sài Gòn, nên thừa hưởng cái tên nghề nghiệp. Đồng lương hoa tiêu đủ mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình ông, nhưng nếu gặp những chuyến tàu cần ghé lại vài địa điểm không chính thức để tải hàng lậu hay đồ quốc cấm thì ông còn có thể nhận thêm những khoản tiền ‘boa’ không nhỏ, đủ để ông chắt góp mua một chiếc xe Renault trắng mỗi tháng chở vợ con ra Cấp tắm biển vài lần.

Cái xe tuy khá mới nhưng cứ ‘làm mình làm mẩy’ với ông Sáu Hoa tiêu hoài. Khi thì máy nóng làm nước sôi sùng sục, bốc hơi nghi ngút, ông phải ngừng xe bên lề đường chờ máy nguội, đổ thêm nước vào trước khi chạy tiếp. Tay lái của xe thì khi lôi về bên trái, lúc kéo qua bên phải, chứ không hài lòng để cho xe chạy theo đường thẳng. Bởi vậy ông thường xuyên đem xe vô ga-ra chú Bảy. Thét rồi quen biết hết thầy thợ ở đây. Sau khi hưu trí ông Sáu đã bán chiếc xe ‘mắc dịch’ đi, nhưng mỗi ngày vẫn quen chân lê tới tiệm sửa xe ngồi ‘tán dóc.’

Qua nhiều năm tháng ông Sáu 'Hoa tiêu' coi như người nhà của mấy anh em thợ máy. Có lúc vui miệng ông còn đặt tên cho chú Bảy thợ máy. Ông gọi chú là chú Bảy 'đờ Song', vì ông để ý thấy dường như bất kể ai đem xe tới sửa, dù vì lý do gì, chú Bảy cũng nhắc họ phải chuẩn bị thay cái ‘Ba đờ song’ (Barre de direction), là đòn dọc hay đòn ngang trong hệ thống lái của xe. Một bữa vui miệng, đợi khách ra về, ông Sáu nhìn chú Bảy lắc đầu nói:

- Tôi cũng sợ chú luôn. Chắc phải kêu chú là Bảy ‘đờ Song.

Mấy anh em thợ máy bật cười ha hả nghe ông Sáu lật tẩy mánh lới nghề nghiệp của họ. Từ đó chú Bảy bị chết với cái tên Tây bất hủ, lại mang hơi hướng quý tộc, như ông Sáu từng giải thích:

- Mấy chú đừng tưởng bở. Họ ‘đờ’ là họ thuộc dòng dõi quý phái của người Pháp à nha!

Sáng nay ông Sáu ‘Hoa tiêu’ như thường lệ, sau khi ăn điểm tâm và uống cà-phê xong ở nhà thì rảo bước thả ra ga-ra chú Bảy, ngồi bên bàn gốc me. Hai mươi năm trước cây me chỗ này đã bị đốn xuống để nới rộng xưởng xe. Gốc me được cưa ngang để lại bề mặt phẳng lì như mặt bàn. Bên trên, anh em thợ máy đặt một ấm trà đựng trong vỏ dừa khô màu gỗ nâu, kế bên cái ra-dô transistor ra rả cả ngày những điệu vọng cổ lâm li. Xung quanh gốc cây bày biện bốn cái ghế nhựa xanh đỏ, vậy là nó trở thành bàn trà dã chiến, dùng tiếp đãi các tài xế đem xe đến sửa. Trưa nay một người bạn già thường xuyên đến ngồi bên gốc me với ông Sáu, là thầy giáo Chín, chưa thấy đến, nên khi nhìn thấy chú Bảy 'đờ Song' mon men tới ngồi hút thuốc nghỉ xả hơi như mọi hôm, ông Sáu tươi tỉnh hẳn ra, lật đật rót trà mời chú Bảy.

Tuất muốn vào ga-ra xin việc làm thợ phụ, nhưng ngại phải nói chuyện với hai người lớn đáng tuổi chú bác mình, nên thôi bỏ về nhà ông Tư. Trên đường đi Tuất nhẩm tính lại, số tiền lương mà ông Hai Sang hứa trả cho Tuất chỉ có thể vừa đủ trang trải tiền ăn thôi. Còn tiền nhà, tiền may mặc, và bao nhiêu thứ tiền cần phải tiêu khác, mà chỉ tới sáng nay sau khi thức dậy sớm Tuất mới bắt đầu nghĩ tới, thì lấy đâu ra.

Tuất phải tìm thêm một việc làm khác, không chỉ vì cần nguồn tài chánh đủ để trang trải những tiêu dùng căn bản trong đời sống hằng ngày, mà còn vì một động cơ sâu xa hơn. Nó xuất phát từ câu hỏi của ông Tư hôm qua, 'Chắc tại mấy năm nay thất mùa liên miên, cậu muốn kiếm việc làm phụ gia đình hả?' Lời của ông Tư tuy là một sự suy đoán không phản ảnh hoàn cảnh thực tế của Tuất, nhưng đã đánh động tinh thần trách nhiệm và bổn phận làm con đối với cha mẹ mà Tuất thường nghe nhắc tới, nhưng chưa thực sự ý thức được. Giờ đây Tuất bắt đầu mơ ước một ngày nào đó có thể trở về quê nhà mang theo đầy quà cáp như Tuất từng chứng kiến qua cảnh tượng mỗi lần chú Tám của Tuất từ Sài Gòn về thăm gia đình.

Tuất về đến nhà ông Tư, kiểm điểm số tiền mang theo lúc rời bến xe Long Xuyên coi gia tài của mình còn lại bao nhiêu. Sau khi trích ra vài đồng để lại dằn túi phòng khi hữu sự, Tuất ra sau nhà, vừa lúc bà Tư mới đi chợ về, trao hết số tiền trên tay cho bà, coi như tạm ứng trước phần nào tiền cơm tháng đầu. Sở dĩ Tuất trao tiền cho bà Tư mà không phải là ông Tư, vì nhớ lời má Tuất khen hành động tế nhị của chú thím Tám của Tuất. Mỗi lần chú Tám về quê, không bao giờ cầm tiền trao thẳng cho ba Tuất, mà chỉ nhờ thím Tám ra sau bếp giúi một phong bì vào túi áo của má Tuất thôi.

Trong lúc chờ đợi ông Tư về ăn trưa, Tuất tò mò rảo quanh sân trước ngắm từng bụi cây ngọn cỏ. Ngoài hai cây ớt hiểm treo đầy những trái xanh trái đỏ li ti trên chậu sành mẻ được ràng rịt bởi mấy vòng dây kẽm sét, ở dưới đất dọc theo nền nhà còn có mấy bụi cây mắc cở, cây mười giờ và cây móng tay khoe những cánh bông màu hồng, màu tím, nho nhỏ xinh xinh. Ngước lên thì thấy mấy trái mận đỏ hình chuông như khua trong gió mời mọc trẻ thơ, Tuất đang thả hồn về miền quá khứ chợt cảm thấy từ khóe mắt có bóng người ngoài ngõ.

Hoa mở cổng dắt xe đạp vào sân, sững sờ nhìn thấy Tuất đứng trong vườn. Hoa cứ nghĩ Tuất chỉ ở tạm qua đêm theo lời ba cô nói trong bữa ăn hôm qua. Tuất quay đầu lại, buộc miệng gọi 'Hoa' như người quen biết từ lâu. Hoa cúi mặt đáp 'Anh', tay tiếp tục dắt xe đến dựng bên hè và đi thẳng ra phía sau nhà. Nhìn tà áo dài trắng vương vấn theo sau, Tuất có cảm tưởng đã không thể nhận ra Hoa nếu gặp ở nơi nào khác.

Hôm qua bên bàn ăn dù Tuất biết có sự hiện diện của Hoa, nhưng ngay cả gởi về hướng nàng một ánh mắt hay một nụ cười chào hỏi cũng không, phần vì mang tâm trạng ngổn ngang trong lòng, nhưng phần lớn hơn có lẽ là do bản chất cố tôn trọng phép tắc của người con trai đứng đắn. Ai đời lại dòm ngó con gái của ân nhân đã đem mình về nhà cưu mang. Dù vậy Tuất cũng khó tránh khỏi bị thu hút bởi mái tóc xõa trên bờ vai Hoa, và càng không thể quên thói quen thường vắt mấy sợi tóc rũ bên má vào vành tai của nàng. Hôm nay cũng không ngoại lệ, sau khi dựng xe, nàng lui vài bước ra sau, khẽ nghiêng đầu, mở to đôi mắt long lanh kiểm điểm xem còn gì cần làm trước khi vén tóc vắt sau vành tai rồi nhẹ nhàng quay người bước đi.

Sau buổi cơm trưa ông Tư trở qua nhà ông Hai Sang làm việc, và hẹn gặp Tuất lúc 4 giờ chiều tại ga-ra chú Bảy, để ông giới thiệu cho vào học nghề sửa xe hơi. Trong lúc chờ đợi, Tuất men ra khỏi giàn mướp, đến núp dưới bóng mát mấy cây dừa Xiêm thấp lè tè, trĩu nặng những buồng trái xanh tươi, đang ngả mình mơn man con rạch uốn khúc quanh phần đất phía sau nhà ông Tư. Tuất nhìn vào nhà, thấy bà Tư lại lục đục trong bếp chuẩn bị làm bánh ít. Trưa nay Tuất biết thêm là bà Tư ở nhà không chỉ lo việc nội trợ mà còn làm bánh tầm ba màu đem ra chợ bán, và thỉnh thoảng để đổi món bà còn làm thêm bánh ít.

Tuất rảo mắt qua hè nhà thấy Hoa đang loay hoay bên cối xay, và theo phản xạ đã chạy tới giúp. Hoa vừa rửa chén xong đã lo xay bột phụ bà Tư làm bánh. Nàng đã máng cần xay cối lên hai sợi dây thừng cột sẵn trên nhánh cây mít bên hè và bắt đầu xay nếp. Tuất cảm thấy việc làm quá nặng nhọc cho Hoa nên đến kế bên giành làm:

- Hoa để tôi xay cho. Hoa qua bên kia đứng cho cối ăn uống.

Hoa bật cười, nhưng đồng ý đứng sang một bên, canh khi nào cần thì châm thêm nếp hay nước vào miệng cối. Tuất bắt đầu xoay cối, được vài vòng thì hỏi:

- Hoa cười gì vậy.

- Em nghe anh nói cho cối ăn uống, thấy mắc cười quá.

- Chứ Hoa gọi là gì?

- Má em cũng nói cho cối ăn mỗi khi cần đổ thêm nếp vào cối, nhưng khi cần châm nước thì chưa nghe ai nói cho cối uống nước như anh vậy.

Nói xong Hoa lại khẽ nghiêng đầu, nhẹ nhàng vén tóc, gởi một ánh nhìn từ khóe mắt về hướng cái cối vần xoay. Tuất lập tức quay mặt ra sân, hỏi vội:

- Hồi nãy ở phía trước thấy Hoa đi học về đó hả?

- Dạ.

- Hoa học trường nào vậy, xa nhà không?

- Em học ở trường Trung học Mạc Đĩnh Chi. Chạy xe đạp 15 phút là tới rồi.

Như nhớ ra điều gì, Hoa tiếp,

- Em học dở lắm, nhứt là môn toán, nên không dám xin dạy cho con Bác Hai.

Tuất buột miệng nói,

- Tôi thấy Hoa giỏi quá chứ, đi học về còn làm phụ đủ thứ việc trong nhà.

Hoa lại nghiêng đầu dịu dàng vén mấy sợi tóc rủ bên má vắt vào vành tai. Tuất bàng hoàng trước hai hình ảnh tương phản trên cùng một khuôn mặt. Cái vén tóc nhẹ nhàng có thể xóa sạch nét chuyên cần, chăm chỉ, tỏ rõ quyết tâm trên một khuôn mặt trưởng thành trước tuổi, để thay thế bởi nét trong sáng lẫn chút hóm hỉnh của cô gái vô tư. Tuất lơ đễnh hướng nhìn mấy trái mít trên cây, trong khi hai tay vẫn tiếp tục động tác đẩy kéo cần xay cho cối quay vòng. Xay bột xong, Hoa đem hấp mớ đậu xanh đã ngâm trong thau từ trước để A picture containing tree, outdoor, jackfruit, fruit

Description automatically generatedlàm nhưn bánh ít.

Tuất vô nhà xỏ đôi giày xăn-đan vào chuẩn bị qua ga-ra chú Bảy gặp ông Tư, mà trong lòng bồn chồn không kém lần gặp ông Hai Sang trước đây, nhưng lần này Tuất cảm thấy như đang dấn thân vào một hành trình mới, xa lạ hơn, không biết sẽ đưa mình về đâu.

May mà Tuất đã được chú Bảy nhận vào làm tập sự ở ga-ra, vì việc dạy học cho con ông Hai Sang kéo dài chưa được ba tuần, Tuất đã bị thay thế bởi một anh sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Khoa học. Anh ta lại là con một trong gia đình góa phụ nên được tạm miễn thi hành quân dịch trong một thời hạn ấn định. Sau vài tháng học nghề, Tuất đã coi ga-ra chú Bảy như nhà của mình. Dù Tuất vẫn còn ở trọ nhà ông Tư tài xế, nhưng mỗi ngày chỉ về ăn cơm chiều và ngủ qua đêm. Nhờ tánh tình hiền hậu, ăn nói lại lễ độ, biết kính trên nhường dưới, nên Tuất cũng được các thành viên lớn tuổi của ga-ra chú Bảy coi như con cháu trong gia đình. Chú Bảy còn thường khen tánh năng nổ của Tuất, không nề hà làm những việc nặng nhọc.

Năm sáu năm trước khi việc làm ăn ở ga-ra bắt đầu khấm khá hơn nhờ có môi giới giới thiệu mấy mối sửa xe cho các cơ sở dân sự ngoại quốc tại Việt Nam, chú Bảy mua về một cái TV đen trắng như một phần thưởng cho anh em thợ máy để coi cải lương lúc rảnh tay. Ông Sáu 'Hoa tiêu' cũng ngồi coi ké, nhưng vào những giờ không có chương trình cổ nhạc, thỉnh thoảng ông mở đài quân đội Mỹ xem các trận đấu banh bầu dục, được truyền hình thường xuyên để giúp vui cho lính Mỹ.

Tuất vừa phụ chú Bảy ráp xong bộ thắng mới cho chiếc xe thùng ('van') của Hội Thánh Tin Lành, men lại bàn trà ngồi nghỉ xả hơi, coi TV và nói chuyện với ông Sáu Hoa tiêu. Hai ông cháu ngày càng có vẻ ăn ý với nhau. Tuất vốn tò mò thường đặt những câu hỏi mà ông Sáu không ngờ tới, nhưng ông lại lấy làm thú vị, và coi đó như cơ hội cho ông san sẻ kiến thức của mình. Có khi lại còn là dịp để ông trút bầu tâm sự, kể lại những chuyện chất chứa trong lòng mà không biết bày tỏ cùng ai. Ông Sáu thích xem các chương trình thể thao chiếu cho lính Mỹ coi, nên đến bên TV đổi qua đài truyền hình số 11 của quận đội Mỹ. Tình cờ được xem màn thi đua thuyền buồm America’s Cup nổi tiếng trên thế giới. Tuất ngồi im lặng, chăm chú theo dõi cuộc đua. Sau một chập lại hỏi:

- Mấy chiếc tàu đó có máy không vậy ông Sáu?

- Đã nói là thuyền buồm mà, làm gì có máy mậy.

Tuất nhíu mày có vẻ đang suy nghĩ lung lắm, nên không nghe ông Sáu trả lời. Ông Sáu nhếch mép cười:

- Tao thấy mày chắc mắc bịnh nghề nghiệp quá. Nhìn đâu cũng muốn có máy cho mầy sửa?

Tuất cúi dầu mỉm cười:

- Dạ không phải vậy. Tại con thấy mấy chiếc thuyền hình như chạy tới một đỗi, rồi quay đầu chạy ngược lại. Con không biết làm sao mà tàu buồm có thể chạy tới rồi chạy lui như xe chạy trên đường vậy.

- Thằng có đầu óc lắm. Mầy mà chịu khó đi học hổng chừng cũng kỹ sư kỹ siết như người ta ?

Tuất tưởng ông Sáu chọc ghẹo mình như thường ngày, nên cố giải thích thêm:

- Ông Sáu coi, nếu họ chỉ dùng buồm thì phải nương theo gió mà đi. Vậy gió đâu kỳ cục, vừa thổi tới cho họ đi được một đoạn, xong lại thổi lui cho họ quay về điểm xuất hành.

Ông Sáu nâng ly trà lên, ngước mặt nhắp một miếng, gục gật đầu tỏ vẻ hài lòng với nhận xét của Tuất,

- Cháu nói chí lý lắm, nhưng nguyên tắc của thuyền buồm không phải là chờ cho có gió từ phía sau đẩy thuyền tới trước. Tương tự như trong trò chơi thả diều vậy. Đâu có ngọn gió nào từ mặt đất thổi dựng lên, vậy mà cánh diều vẫn có thể lơ lửng bay trong không.

- Ý bác nói là gió thổi ngang nhưng lại đẩy cánh diều lên cao.

- Bí quyết là ở chỗ đó. Bởi vậy khi áp dụng vào thuyền buồm, người điều khiển thuyền cứ liên tục xoay mặt cánh buồm qua bên này, bên kia, để bắt đúng hướng gió. Muốn tiến tới phía trước thuyền phải đi theo đường ngoằn ngoèo như hình chữ chi, lúc hướng về bên phải, lúc bên trái, và cứ vậy mà nhích lên từng đoạn một.

Tuất mở to mắt nở nụ cười rạng rỡ làm mát lòng ông Sáu Hoa tiêu. Không uổng công ông mất mấy năm học ngành hàng hải bên Pháp, ông thầm nghĩ. Ông Sáu nhướng mày nhìn Tuất khen:

- Cháu có đầu óc học hỏi lắm. Nhiều người bác biết thường dùng cảm tính hay trực giác hơn. Trực giác cũng cần thiết, nhưng phải được kiểm chứng theo phương pháp khoa học.

Ông Sáu đang chuyện trò với Tuất, chợt dừng lại chào ông Ba, một người khách quen thuộc vừa bước vào ga-ra. Ông Ba đến thăm chừng coi chiếc xe ta-xi của ông sửa xong chưa. Thường các tài xế khác phải chạy xe mướn, nhưng ông Ba nhờ bán mấy mẫu đất hương hỏa ở Bình Chánh gom góp được chút đỉnh tiền, đã mua một chiếc xe taxi cũ để tự lái kiếm ăn qua ngày.

Ông Ba là một trong những người khách 'đóng đô' thường trực ở ga-ra chú Bảy, mà anh em thợ máy gọi là ông 'Ba Ngược'. Một người tài xế lớn tuổi, đen đủi, đậm nét phong trần, nhưng không dấu được cái miệng lúc nào cũng như chợt cười, lại ăn nói mộc mạc dễ gần gũi. Tội cho ông phải mang cái tên Ba Ngược. Không phải vì ăn nói ngược ngạo hay tánh nết ngang tàng chi, mà do ông ham mê đánh cá ngựa quá. Ông lái xe taxi mà tuần nào cũng ghé Trường đua Phú Thọ đánh cá ngựa. Chiều về ông thường đến ga-ra chú Bảy ngồi uống trà, khi thì mặt mày hớn hở lúc lại dàu dàu tùy theo kết quả mấy buổi đánh cá ngựa. Điều đặc biệt là dù thua hay thắng, khi mấy anh em thợ máy hỏi tới, ông đều viện lý do 'Ngựa về ngược.' Bởi vậy mà cái tên ông ba 'Ngược' ra đời.

Một anh thợ phụ nhìn thấy ông Ba bước vào với vẻ mặt dàu dàu, nên theo thói quen kêu lên:

- Bữa nay ông Ba bị ngựa đá rồi!

- Ngựa đá thằng cha mầy. Hai bữa nay xe bỏ sửa ở đây tao đi đâu được.

Ông Ba tiến thẳng tới phía sau xe, trong lòng bồn chồn đứng bên cạnh chú Bảy mà không dám thúc giục. Một tay chú Bảy còn với bên trong cố siết con ốc cuối cùng cho chắc, nghiêng mặt nhìn thẳng vào mắt ông ba Ngược nói như trút gánh nặng áp lực hối thúc của ông Ba:

- Ông lên ‘đề’ (cho nổ máy) thử đi.

Ông Ba chỉ đợi bấy nhiêu, rối rít lên xe mở máy, rồi chạy thẳng ra trường đua bù đắp cho hai ngày chờ đợi.

Tuất rất thích làm việc ở ga-ra chú Bảy vì nó thỏa mãn tánh tò mò và ham táy máy với máy móc của Tuất, lại thỉnh thoảng được học hỏi nhiều điều thú vị từ ông Sáu Hoa tiêu. Vui là vui vậy nhưng mỗi chiều, sau khi tan việc, từ lúc tắm rửa với mấy anh em bên thùng phuy đựng nước mưa bên hè ga-ra, Tuất đã cảm thấy rộn ràng trong lòng, như người đang chờ đợi đón nhận một món quà khi về đến nhà. Đối với Tuất món quà đó dường như là được nhìn Hoa trong thái độ bình thản, duyên dáng vắt mấy sợi tóc rã hàng vào vành tai, để hiện ra khuôn mặt tươi sáng như ánh mặt trời lố dạng sau làn sương mong manh.

Một lần trộm nhìn Hoa đang ngồi học bài bên bàn ăn, Tuất chợt buột miệng lẩm bẩm câu hò đầu lưỡi của thương hồ dưới quê anh:

Anh đi lục tỉnh giáp vòng,

Đến đây trời khiến đem lòng thương em.

 

Tuất thả người xuống chiếc ghế bố đặt dưới dàn mướp hương, ngước mắt nhìn những chiếc lá hình tim đong đưa trêu cợt với ánh trăng vàng, chạnh nghĩ tới hoàn cảnh của mình, đã được ông bà Tư thương mến đem về, cho ăn nhờ ở đậu, lẽ nào lại … 'đi dê con gái người ta.' Tuy nhiên, trong tuần trước, khi chú Bảy ra chợ trời mua cái quạt máy, Tuất đã quá giang để tìm mua một cây viết máy tặng Hoa. Khi về đến nhà, để chứng tỏ mình trong sáng, tâm địa ngay thẳng, Tuất trao hộp viết Parker mới toanh cho bà Tư, nhờ trao lại cho em Hoa như một món quà khuyến khích em trong việc học hành.

Cứ thế mà sau mỗi ngày ở ga-ra Tuất bương bả về nhà phụ Hoa, khi thì xay bột làm bánh, lúc thì quết đậu làm nhưn. Tối lại nằm trên ghế bố ráng tìm trăng qua kẽ lá trên giàn mướp hương.